Xu thế dạy học hiện đại

Ngày đăng: Sep 30, 2017 9:6:58 AM

Trong xu thế toàn cầu hóa, những công trình nghiên cứu về giáo dục được thế giới chia sẽ cho Việt Nam. Từ những kết quả nghiên cứu, nhà giáo dục nước ta có cái nhìn mới hơn, quan điểm thực tế hơn về vị thế của người thầy và học sinh. Đồng thời tư tưởng thời nay theo xu hướng bình đẳng hơn trong các mối quan hệ. Do đó, vị thế của người thầy và học trò được giới hạn cụ thể, rõ ràng và tích cực hơn. Phương pháp dạy học hướng đến cá nhân hóa học sinh nhiều hơn, tạo điều kiện cho học sinh phát huy tối đa nội lực.

1. Giáo dục dân chủ (Democratic education)

    Vào thời kỳ khai sáng, năm 1693, John Loke đã xuất bản quyển Những suy nghĩ về giáo dục (Some Thoughts Concerning Education). Trong khi bàn về cách dạy trẻ em, ông cho rằng giáo viên không nên áp đặt và buộc các em học vì điều đó chỉ làm cho các em trở nên chán nản và có ác cảm. John Loke viết: "Trẻ em không thể học được gì nếu như những điều (giáo viên dạy cho các em) gây ra gánh nặng hoặc áp đặt các em. Những điều đó chỉ làm cho các em khó chịu hoặc có ác cảm, mặc dù trước đó các em có quan tâm hay không. Ra lệnh bằng đòn roi hằng ngày, liệu làm cho các em có suy nghĩ gì về điều đó. Buộc các em làm nhiệm vụ suốt buổi sáng và buổi chiều, liệu làm các em có chán nản không?" 

    Vào năm 1762, Jean-Jacques Rousseau xuất bản Émile. Trong tác phẩm Émile, Cậu bé Émile (nhân vật tưởng tượng của tác giả) chỉ học những gì mà cậu bé cho là hữu dụng. Cậu chỉ thích thú những bài học và học để thỏa mãn phán xét và kinh nghiệm của chính mình. Qua tác phẩm này, Rouseau thể hiện quan điểm rằng chúng ta không nên thay thế những kinh nghiệm cá nhân bằng những quyển sách bởi vì điều này không dạy chúng ta suy luận; nó chỉ dạy chúng ta sử dụng suy luận của người khác và tin vào đó như một ý tưởng tuyệt vời, mà không biết điều gì khác cả. Rousseau viết: "Giáo viên không nên áp đặt khái niệm vào học sinh, mà hãy để các em khám phá nó. Thay vì bắt Émile học môn khoa học, hãy để em tự tìm tòi những điều mới trong đó." John Dewey (1859 – 1952), nhà triết học, tâm lý học, và cải tổ giáo dục của Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức cho các em, mà còn là nơi để học cách sống. Mục đích của giáo dục không chỉ quay vòng với những gì có sẵn, mà còn xa hơn nữa, giúp các em nhận ra được tiềm năng và khả năng của mình. John Dewey viết: "Chuẩn bị có các em tương lai nghĩa là cho các em quyền yêu cầu, cũng có nghĩa là huấn luyện các em sẵn sàng sử dụng đầy đủ khả năng của mình."  Ông viết: "Chúng ta phải ở vị trí của các em, xuất phát từ các em; chứ không phải là vấn đề chính xác địch chất lượng và số lượng." 

    Từ những tư tưởng đó, thế giới bắt đầu quan tâm đến giáo dục dân chủ. Người ta bắt đầu quan tâm đến quyền học sinh, đặc biệt là quyền học tập độc lập mà không bị áp đặt bởi những khái niệm của người thầy hoặc sách vở, các em tự khám phá và đưa khái niệm riêng, để phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo và trở thành công dân dân chủ thật sự. Hiện nay trên thế giới có hơn 400 trường dân chủ. Đại đa số ở các nước phương Tây. Riêng ở châu Á, Ấn độ có 4 trường, Indonesia có 1, Nhật bản có 9, Hàn Quốc có 6, Thái Lan có 2, Nepal có 1. Tất cả những ngôi trường áp dụng tiêu chí của giáo dục dân chủ. Giáo dục dân chủ là quá trình đào tạo học sinh có đầy đủ tất cả các quyền và trách nhiệm của công dân dân chủ. Cụ thể là các em được thực hành, hơn là chỉ đọc, về những nguyên tắc tự do ngôn luận, tự do họp hội, và tự do chọn hoạt động cho chính mình; các em được bầu chọn những luật lệ mà trực tiếp ảnh hưởng đến mình và tuân thủ, tôn trọng luật lệ đó.

    Thông qua xu thế dân chủ trong giáo dục, vị thế của học sinh được nâng lên, không bị chi phối bởi vị thế người thầy. Học sinh có mọi sự quyết định trong hoạt động học tập của mình, học sinh đưa ra nguyên tắc và cùng nhau thực hiện nguyên tắc đó. Vai trò của người thầy hầu như không hiện hữu. Chính vì thế, có nhiều người khác phê phán mô hình giáo dục dân chủ. Họ cho rằng kiến thức của các em sẽ bị lệch lạc trong biển kiến thức của thế giới vì các em không được định hướng bởi người thầy là người đã có nhiều kinh nghiệm trong học tập. Các em có đầy đủ quyền như thế liệu rằng các em sử dụng quyền đó vào nhiệm vụ học tập hoặc nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu bản năng riêng của từng em, chơi nhiều hơn học. Nhưng dù sao đi nữa, giáo dục dân chủ cũng có mặc tích cực của nó, nâng cao vị thế của học sinh, rèn luyện khả năng sáng tạo, chuẩn bị hoạt động độc lập trong cuộc sống sau này của các em. Vì vậy, để dung hòa hơn, vị thế của thầy và học sinh cần được cân bằng trong quá trình học tập.

2. Phi trường học (unschooling)

    Phi trường học là mô hình học tập không bị ràng buộc trong khuôn khổ những quy định bởi hệ thống trường lớp, không bị tác động bởi các phương tiện học tập. Học sinh học và khám phá từ những kinh nghiệm cuộc sống bên ngoài tự nhiên như chơi, trách nhiệm gia đình, mối quan tâm cá nhân, trí tò mò, kinh nghiệm thực tập và làm việc, du lịch, sách, gia đình, thầy và tương tác xã hội khác. Ý tưởng này được hình thành vào những năm 70 và nhà giáo dục John Holt được xem là cha đẻ học thuyết phi trường học (unschooling). Ông cho rằng tất cả các phương tiện dạy học trong trường, và hệ thống quy trình học tập của nó làm cho các em trở nên thụ động như đang bị lập trình sẵn, các em bị lôi kéo hành động theo khuôn mẫu đã được quy định trước. Các em không có cơ hội và được tự do tương tác với môi trường tự nhiên. Điều đó làm cho các em trở vô thức với tự nhiên. Trong khi, cuộc sống thực của các em trong tương lai chính là tự nhiên.

    Mặc dù, tư tưởng này bị đánh giá quay ngược dòng lịch sử trở về thời kỳ dạy học riêng lẽ trong quá khứ, vào thời kỳ mà giáo dục chưa được phát triển, học sinh chỉ học từ người thầy gia đình mà ở Việt Nam gọi là thầy đồ. Tuy nhiên, tư tưởng này cũng phần nào giải thoát vị thế bị áp đặt của học sinh. Nâng cao vai trò học sinh trong hoạt động học tập. Học sinh được tiếp cận tri thức một cách trực tiếp thông qua thực tế mà không bị điều khiển bởi người thầy, phương tiện dạy học và nội quy của nhà trường.

3. Dạy học tương tác

    Một phương pháp dạy học mà các nhà giáo dục ngày nay thường hay bàn đến nhiều đó là dạy học tương tác. Dạy học tương tác là phương pháp tác động qua lại giữa người thầy, học sinh, phương tiện dạy học và môi trường học tập nhằm thực hiện quá trình dạy và học. Học sinh không chỉ tiếp thu một chiều, mà còn tham gia chia sẽ ý kiến của mình với thầy và các bạn khác trong lớp; hơn thế nữa, học còn chủ động tác động vào phương tiện dạy học để thỏa mãn nhu cầu học hỏi của mình. Như vậy, ý tưởng dạy học theo kiểu này đã làm thay đổi phương pháp dạy học rất nhiều theo hướng tích cực. Khác hẳn với phương pháp đọc chép và thuyết trình một chiều từ thầy đến trò được thấy nhiều trong các trường phổ thông thậm chí trong đại học, phương pháp được tiến hành dưới dạng thảo luận. Học sinh có cơ hội phát biểu chính kiến riêng, và so sánh ý kiến của mình với thầy và các bạn khác trong lớp, từ đó học sinh có thể chọn lựa được ý kiến tốt cho hành trang tri thức của mình. Đồng thời các phương tiện và môi trường học tập cũng được thiết kế và sử dụng theo hướng tương tác với học sinh. Không những người thầy chỉ sử dụng phương tiện dạy học truyền đạt kiến thức mà học sinh cũng có thể điều khiển phương tiện dạy học truy tìm kiến thức cho riêng mình, kể cả khi thiếu vắng vai trò của người thầy.

    Có thể nói, dạy học tương tác là phương pháp cách mạng. Nó được hưởng ứng rất nhiều bởi các nhà giáo dục. Nó không thiên vị đối tượng nào trong hoạt động dạy và học, chủ yếu là người thầy và học sinh. Nó luôn giữ trạng thái cần bằng giữa các vị thế của đối tượng với nhau. Nó không phủ nhận vai trò của người thầy, mà còn đảm bảo vị thế và quyền lợi của học sinh.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục

    Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin này, kiến thức được sinh ra và nhanh chóng phát tán rộng rãi khắp nơi trên thế giới dưới nhiều hình thức, đặt biệt là mạng truyển thông. Người ta đã sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng nhiều mô hình dạy học mà trong đó học sinh có thể tương tác với chúng theo từng trình độ khác nhau, mà không cần có sự hiện diện của người thầy. Học sinh có thể lưu trữ chúng trong nhiều loại thiết bị khác nhau như Iphone, Ipad, laptop, máy vi tính đển bàn v.v…; sau đó, học sinh mở ra bất kỳ nơi nào, lúc nào khi các em muốn thực hiện hoạt động học tập của mình. Hơn thế nữa, những mô hình dạy học có thể lưu trữ trên máy chủ có kết nối internet, học sinh có thể chạy những chương trình này khi cần mà không phải tốn nhiều dung lượng trong thiết bị cá nhân nào đó. Công nghệ thông tin không những cung cấp tài liệu và chương trình học tương tác, mà còn kết nối mọi người lại với nhau thông qua internet. Chỉ cần ngồi ở nhà hoặc trong không gian nào đó có kết nối internet, người ta có thể nói chuyện, trao đổi và học tập với nhau thông qua internet.

    Với sự phát triển thần kỳ, và sự thỏa mãn gần như hoàn hảo mà công nghệ thông tin mang lại cho giáo dục, người ta lại đặt ra câu hỏi: giáo dục thật sự có cần thiết trường học với cơ sở vật, trang thiết bị và con người tốn kém nữa không trong khi mọi thứ của hoạt động học tập đều có thể thực hiện nhờ vào công nghệ thông tin? Khái niệm phi trường học theo hướng khác, với công nghệ thông tin, lại có dịp trỗi dậy trong thời đại công nghệ thông tin này. Tuy nhiên, người ta chỉ nhìn vào vấn đề, chứ không nhìn vào bản chất của vấn đề. Vấn đề ở chổ công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong giáo dục. Nhưng bản chất vấn đề, ai cung cấp kiến cho công nghệ thông tin? Ai xây dựng mô hình để cho nó mô phỏng theo? Các thuộc tính xã hội sẽ được hình thành như thế nào trong mỗi học sinh? Chỉ có thể nhà trường mới có thể đãm nhận và thực hiện tốt vai trò này. Công nghệ thông tin thực chất ra chỉ là công cụ hoặc phương tiện dạy học, cần có người thầy nảy sinh ra ý tưởng, hình thành và điều khiển nó. Người thầy ở đây được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ đứng lớp, mà thực hiện những nhiệm vụ có liên quan đến giáo dục khác, như xây dựng chương trình để thực hiện trong quá trình dạy học. Công nghệ thông tin luôn ở trạng thái tĩnh, cần con người tác động, nó chỉ có thể giải thích những kiến thức đã được lập trình sẵn cho quá trình dạy học; chứ không thể đáp ứng được những kiến thức phát sinh cần được dẫn giải trong khi thực hiện hoạt động học tập. Trái lại, người thầy luôn ở trạng thái động, không những có đầy đủ những kiến thức dành sẵn cho quá trình dạy học mà còn sẵn sàng đáp ứng mọi thông tin khi học sinh có nhu cầu. Yếu tố quan trọng nữa đó là năng lực xã hội. Năng lực xã hội bao gồm khả năng ứng xử và hành vi đạo đức của con người. Năng lực xã hội chỉ được hình thành trong môi trường tương tác giữa người với người. Khả năng ứng xử và hành vi đạo đức chỉ được dần dần cải thiện thông qua sự tác động đến người khác và bị tác động bởi người khác trong môi trường xã hội. Dĩ nhiên công nghệ thông tin không thể tạo được môi trường cho học sinh thực hiện điều đó. Chỉ có trường học là môi trường tốt nhất để cho học sinh rèn luyện và hình thành năng lực xã hội dưới sử quản lý của người thầy. Một lần nữa, trong thời đại công nghệ thông tin, vai trò của người vẫn được khẳng định.

5. Dạy học lấy học sinh làm trung tâm

    Chắc có lẻ, một xu thế chung nhất cho tất cả các xu thế trên đó là dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Toàn bộ quá trình dạy học điều hướng vào nhu cầu, khả năng và lợi ích của học sinh. Học sinh được tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng dựa trên khả năng sẵn có và nhu cầu riêng của từng em. Học sinh được tự do chọn lựa phương pháp học tập, độc lập truy tìm kiến thức để giải quyết các vấn đề học tập. Học sinh tự lực, tự giác, tự chịu trách nhiệm mọi hoạt động học tập của mình. Nhờ đó, học sinh cảm thấy tự hào kiến thức chính mình đạt được, và khả năng của các em được tôn trọng trong môi trường học tập. Như thế, các em có động lực phát huy tinh thần học hỏi và khả năng sáng tạo. Người thầy chỉ đóng vai trò đặt ra tình huống có vấn đề và hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề đó. Như vậy, kiến thức của các em không bị phụ thuộc vào người thầy, và cũng không bị chi phối bởi người thầy.

    Trước những xu thế nâng cao vị thế của học sinh nhằm đào tạo ra thế hệ con người tự lực, tự giác, có trách nhiệm, có năng lực chuyên môn và xã hội, có tinh thần sáng tạo để đồng hành vào thế giới văn minh. Người ta đã ngộ ra nhiều vấn đề trong giáo dục cần được thay đổi. Trong đó, những giá trị của “tôn sư trọng đạo” và trật tự xã hội cũng cần phải được định nghĩa lại để phù hợp cho thế giới tiến bộ: dân chủ, công bằng và văn minh. Mối quan hệ giữa thầy và trò cần được bình đẳng. Thầy và trò cần có trách nhiệm với nhau. Vị thế thầy và trò luôn hướng đến trạng thái cân bằng. Tuy điều đó chưa được thực hiện triệt để trong hoạt động dạy và học, vì suy nghĩ người Việt của chúng ta chưa thoát ra khỏi vòng kiềm hãm của tư tưởng Khổng giáo và Phật giáo; nhưng nền giáo dục đang chuyển mình và hướng đến những tiêu chí lấy học sinh làm trung tâm.

ThS. Lư Thành Long 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Luận Ngữ của Khổng Tử, Phùng Hoài Ngọc biên dịch – chủ giải, Đại học An Giang, 2011.

2.  Kinh Lễ của Khổng Tử, Nguyễn Tôn Nhan biên dịch và chú giải, 1999.

3. Tìm Hiểu Về Giới Luật (Sìla) Trong Phật Giáo của Thích Quang Thạnh, trang web http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/018-sila.htm.

4.  Demoratic Education, trang http://en.wikipedia.org/wiki/ Democratic _education.

5.  My pedagogic creed (Tín Ngưỡng của Tôi) của Dewey, 1897.

6.  Dewey, 1902.

7.  Unschooling, trên trang http://en.wikipedia.org/wiki/Unschooling